Sinh ra là người Việt, lớn lên trên đất Việt, mà vì lý do nào đó phải đi xa Việt Nam, thì có lẽ những lúc nhớ nhà, ngoài việc nhớ người thân, chắc chắn hương vị của những món ăn đậm chất dân tộc sẽ luôn khiến cho những người con xa quê như tôi càng thêm nhớ.
Sống ở nước ngoài, nếu may mắn sống ở khu vực có nhiều người châu Á sinh sống, thì những thực phẩm, gia vị của quê hương chắc chắn cũng không quá khó mua, nhưng mua được về rồi mà không biết chế biến thì cũng không thể nào thưởng thức được đúng hương vị đặc trưng của món ăn.
Một trong những món dễ làm và lại ngon nhất theo kinh nghiệm của tôi, đó là món bánh cuốn. Thật ra hầu hết các nguyên liệu đều có sẵn, khó nhất chỉ có bột bánh cuốn, thì có thể xách tay từ Việt Nam sang, hoặc đặt mua ở Nhật, giá cả cũng phải chăng, chỉ cần chú ý hạn sử dụng thì có thể để được cả năm.
Nhà tôi chỉ có hai vợ chồng nên một gói bột bánh cuốn 400g có thể làm được hai lần, ăn cũng khá thoải mái. Bột bánh cuốn pha theo đúng tỷ lệ trên gói bột thì 400g bột pha với 1 lít nước và 4 thìa dầu ăn, nhớ là phải dùng chảo chống dính để tráng. Nhưng chắc bây giờ cũng chẳng nhà nào còn dùng chảo gang mà không có lớp chống dính như thời xưa nữa, vì đã từ lâu lắm rồi tôi chẳng còn được nhìn thấy ai dùng chảo loại đó nữa rồi.
Nhân bánh cuốn thì chỉ đơn giản là hành khô phi thơm, rồi cho thịt băm, mộc nhĩ, nấm hương, đã thái nhỏ vào xào cùng nhau, nêm nếm chút gia vị cho đậm đà rồi để nguội, chuẩn bị tráng bánh.
Tráng bánh cuốn cũng phải "mát tay" thì bánh mới mỏng và đều, nhưng dù có mát tay đến mấy thì khoảng 2-3 cái đầu tiên cũng sẽ bị xấu xí, dày quá, hoặc méo mó, nên thường thì mấy cái đầu chỉ gọi là để “khởi động” tráng chảo với "tập thể dục" cho dẻo tay thôi. Do đó những cái đầu hầu như tôi không cuốn nhân, và thường "khai tử" luôn tại chảo, vì cố xếp lên đĩa cũng chẳng có hứng thú mà ăn.
Bánh cuốn tráng rất nhanh, đổ bột vào chảo đậy vung, chỉ 15 giây là chín. 15 giây ấy đủ để cuốn xong một cái vừa ra lò lúc trước, nên nếu đổ bột - đậy vung- cuốn nhân mà nhịp nhàng nhuần nhuyễn, thì cứ 15 giây lại có một cái bánh cuốn được xếp lên đĩa. Vì thế tối đa chỉ 15-20 phút là tráng xong mẻ bánh.
Kinh nghiệm là pha nước chấm và phi hành trước khi tráng bánh, vì nước chấm để lâu thì ngấm, hành khô phi xong để một lúc mới giòn, nên làm xong hết các việc ấy thì mới tráng bánh, để đảm bảo tráng xong bánh là có thể đánh chén được ngay, bánh đủ nóng, nước chấm đủ ngấm, hành phi đủ giòn, sẵn sàng cho một bữa bánh cuốn chuẩn như ăn ở Việt Nam.
Nếu cầu kỳ, sẽ cần có thêm chả quế. Cách một là nếu giỏi thì tự làm. Cách thứ hai là lười nhưng nhiều tiền thì đặt hàng người ta làm cho rồi chuyển đến tận cửa luôn (nhưng phải xác định là đắt lắm nhé, khoảng 1.200 yên – hơn 300.000 VNĐ cho nửa kg chả quế). Cách thứ ba là vừa lười vừa ít tiền như tôi thì chịu khó xách tay từ Việt Nam. Mang sang tới nơi chịu khó hấp lại một lần, để nguội, cắt ra từng suất đủ ăn một bữa, rồi gói ghém chặt vào, cho ngăn đá tủ lạnh ăn dần (ít nhất phải để được 3 tháng, nhà tôi trộm vía vẫn ăn như thế xưa nay chưa gặp chuyện gì về đường tiêu hoá!)
Trước đây, hôm nào ăn bánh cuốn là nhà tôi coi như được "ăn tiệc", nhưng gần đây tôi thành thợ tráng bánh cuốn chuyên nghiệp rồi, thành ra bữa sáng cũng có thể ăn bánh cuốn. Nước chấm làm mất thời gian nhất thì pha sẵn từ tối hôm trước, sáng chỉ cần cho vào lò vi sóng nửa phút là nóng hổi.
Có một mẹo nhỏ tôi mới học được, đã kiểm nghiệm và thấy khá hiệu quả. Để mùi nước mắm không lưu lại trong miệng sau khi ăn sáng bằng món bánh cuốn này, nhớ chuẩn bị dưa chuột sống, để ăn tráng miệng, đảm bảo không còn mùi khó chịu trong hơi thở, vì chắc không ai muốn đến công sở với mùi nước mắm đặc trưng mà hầu hết người nước ngoài đều không mấy ai thích thú.
Ăn sáng với bánh cuốn vừa ngon, vừa no, vừa rẻ, quan trọng là ấm lòng vô cùng vì đỡ nhớ món ăn Việt Nam, nhất là ở Nhật, chẳng có nhiều quán quà sáng như ở Việt Nam mình.
> Trị đau khớp mùa đông bằng cách ngâm dầu oliu với vỏ chanh
> Cách làm nước mắm chua ngọt
Khánh Ngọc/ vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét